Ba phần tự truyện đầu tiên sao buồn quá nhỉ, toàn thấy thua không hà! Như đã kể, sau trận thua trí mạng năm 1999 tôi đã “yên tâm công tác”, làm viên chức văn phòng và hàng ngày vẫn chơi cờ giải trí, không còn màng về “thế sự” nữa.
Tháng 3/2000 giải tuyển chọn kỳ thủ duy nhất đại diện VN tham dự giải vô địch cờ vây Amateur thế giới lần thứ 22 được tổ chức tại Q5 TP.HCM. Tham gia giải lần này vẫn là 5 gương mặt cũ năm ngoái Tín, Duy, Chung, Bảo, Thắng và có thêm một kỳ thủ mới của Đà Nẵng là Trần Thế Tâm. Phương thức tuyển chọn vẫn như năm ngoái là 6 kỳ thủ đấu vòng tròn một lượt sau đó chọn 2 người đứng đầu đánh một trận quyết định. Sau những nỗi đau, những trận thua “vỡ mặt” , lần này tôi bước vào giải với một sự bình thản đến lạnh lùng. Thắng hay thua?, giờ đây đối với tôi không còn quá quan trọng nữa. Tất cả chỉ là một niềm đam mê không thể từ bỏ!
Tôi đã trả được món nợ…
Và đúng là định mệnh! Tôi lại gặp “khắc tinh” Trần Trung Tín ngay trận đầu tiên và cũng lại phải cầm trắng. Lúc đó tôi không hề có cảm giác phải “phục thù” mà chỉ nghĩ thầm là Tín “đỏ” quá, đánh với tôi cầm đen 3 ván liên tục cũng như nghĩ rằng số phận tiếp tục “thử thách” mình chăng? Và diễn biến trận đấu thật kỳ lạ!. Khác với năm ngoái, Tín giành ưu thế ngay trong khai cuộc và không hiểu đánh đấm thế nào tôi mất ngay 6 quân ở trung tâm mà không được bù đắp! Thế trận lúc này cho thấy 80% tôi đã thua trận và tôi đã thầm nghĩ “Thôi rồi! Lại thất bại nữa rồi!”. Thế nhưng một bước ngoặt đã xảy ra…Khi ván cờ chuẩn bị bước vào giai đoạn quan tử, tôi đi một nước cờ đe dọa một đám quân lớn của Tín. Thay vì nối về nguồn hoặc tạo sống tại chỗ là Tín có thể giành thắng lợi nhưng anh anh ấy lại “lãng” cờ, đi một nước “quan tử lớn” đe dọa phá đất tôi ở một chỗ khác, nhưng tôi không đỡ và tiếp tục tấn công đám quân này, sau một hồi vây bắt tôi đã thành công và Tín chịu thua. Vậy là tôi đã trả được “món nợ” năm ngoái với một cách không thể hiểu được, thấy thua mười mươi rồi lại thắng. Phải chăng “luật bù trừ”, “có vay có trả” đúng trong trường hợp này!
Trận chung kết với Hoàng Nam Thắng
Ảnh: Kỳ thủ Hoàng Nam Thắng (áo xanh) tại giải vô địch cờ vây toàn quốc 2010
Có khí thế sau trận thắng Tín, tôi thắng hết mấy trận sau giành vị trí nhất bảng và bước vào trận đấu quyết định với nhì bảng là Hoàng Nam Thắng (Đà Nẵng). Với Thắng -lúc đó và cho đến tận bây giờ – tôi vẫn luôn kính trọng và khẳng định anh là kỳ thủ đầy kinh nghiệm, có độ lỳ và tinh quái nhất trong làng cờ vây Việt Nam.
Lúc đó về mặt kiến thức, trình độ cờ, suy nghĩ lớn thì tôi có ưu thế hơn so với Thắng. Nếu triển khai một lối chơi bình thường thì chắc chắn Thắng sẽ thua và bản thân anh cũng biết điều đó. Vì vậy Thắng đã vào trận với một tinh thần quyết tâm cao độ và chủ động đẩy một thế trận fighting loạn xạ. Vì thế, không giữ được độ sáng suốt, khi ván cờ gần bước sang trung cuộc, tôi đã phạm sai lầm “chết người” là đi một nước “quan tử lớn”, Thắng nhận ra ngay sai lầm này của tôi và không đỡ, đi một nước chiến lược quan trọng bên ngoài. Lúc đó, tôi giật mình và biết mình phạm sai lầm nhưng vẫn không kềm chế nổi lại tiếp tục phạm sai lầm thứ hai là thực hiện nốt “kế hoạch quan tử” của mình. Sau khi đi nước đi sai lầm thứ hai, tôi bắt đầu “ân hận” vì thấy hóa ra nó vẫn “bé” chỉ đơn thuần giá trị khoảng 10 đất. Nếu Thắng không đỡ mà giành sente triển khai tiếp một nước chiến lược trọng yếu bên ngoài thì tôi thua chắc! Nhưng rất may là đến nước này của tôi thì Thắng có suy nghĩ và cân nhắc xem có đỡ hay không? Lúc Thắng nghĩ thì tôi nín thở và tim đập mạnh! Và tôi thở phào khi Thắng quyết định đỡ nước cờ này, bình tĩnh trở lại tiếp tục cuộc chiến. Bước vào giai đoạn trung cuộc, Thắng thực hiện một nước đi rất “liều”, nhảy một quân “cảm tử” vào vùng đất tiềm năng của tôi. Tôi lao vào bắt và bắt chết được cả một đám quân nhưng phải qua một cái “Ko điên” (lại là Ko điên!). May mắn thay, lần này tôi lại là người được thắng Ko điên đó. Vì thua Ko nên Thắng được đi hai nước cờ liền nhằm bắt chết một đám quân lớn của tôi bên góc trái dưới. Tôi gắng quậy để sống và một lần nữa lại gặp may. Thắng đi rất nhanh và đi sai nên đám quân lớn của tôi đã sống được tại chỗ. (Có lẽ bị ảnh hưởng tâm lý bởi Ko điên chăng?). Nếu Thắng đi đúng thì đám quân tôi chỉ có một mắt và phải chạy ra ngoài nơi mà rất nhiều quân đen của đối thủ đang chờ sẵn. Cửa chết rất cao và…chỉ có Chúa mới biết được đám quân đó có sống nổi hay không? Sau khi sống được đám quân đó rồi thì tôi đã giành được ưu thế rất lớn do bắt chết được một đám quân của đen đã nói ở trên. Thế trận sau đó tiếp tục fighting loạn xạ nhưng do đã có “vốn” rồi nên tôi đã bình tĩnh hóa giải và giành thắng lợi sau cùng.
Những nỗi đau rồi cũng sẽ qua, và lúc này đây sau trận thắng chung kết này nó đã hoàn toàn biến mất. Tôi hăng hái bước vào luyện tập chăm chỉ chuẩn bị cho trận đánh lớn tại Nhật Bản vào tháng 6 năm 2000 – Giải vô địch cờ vây Amateur thế giới lần thứ 22.