Sau khi vô địch năm 2004 thì tôi tình cờ phát hiện một yếu tố ngẫu nhiên là: Chức vô địch thường đến với tôi vào năm chẵn (2000-2002-2004) còn vào năm lẻ (1999-2001-2003) thì “vận bất tòng tâm”! Vì vậy bước vào giải vô địch quốc gia 2005, tôi cũng ý thức được năm nay có lẽ không phải của mình nên cũng không đặt tham vọng gì nhiều và thi đấu rất “thoải mái”. Kết quả tôi đoạt hạng 3 chung cuộc và chẳng có gì để bàn nhiều. Tuy nhiên có 3 sự kiện mà tôi muốn kể:
1/Trần Anh Tuấn đã bẻ gãy “cầu win” của tôi trước anh ấy:
Cho đến trước giải này, tôi đã chiến thắng tất cả các trận đấu gặp Trần Anh Tuấn và đó là những chiến thắng nghẹt thở. Nhưng tại giải này đã có một “bước ngoặt” là Tuấn đã bẻ được “cầu win” của tôi trước anh ấy. Chúng tôi gặp nhau tại ván thứ ba, và tôi đã phạm phải một số sai lầm trong trung cuộc và Tuấn đã không bỏ lỡ cơ hội. Dù không vô địch giải lần này nhưng tôi nghĩ chiến thắng này thực sự rất “quan trọng” với Tuấn, nó mở ra một giai đoạn mới mà anh thắng “giòn giã” trong các cuộc đối đầu với tôi.
2/Trận chiến Tuấn – Thành và những “giai thoại”:
Tuấn – Thành là hai anh em ruột và đều là cao thủ cờ vây (và cả cờ vua nữa!). Tuy nhiên những trận chiến cờ vây giữa họ có thể nói là những trận chiến ăn thua nhất, quyết liệt nhất (hơn cả những trận giữa tôi và Tuấn rất nhiều). Dường như đó không phải là là cờ nữa mà là sự thể hiện những quan điểm cờ, cá tính, cái tôi ở mức cao nhất.Nhớ lại những ngày “đi bụi” thời tuổi trẻ, chúng tôi (Duy, Khương, Thắng, Phước, Thừa…) tụ tập sinh hoạt ở nhà Tuấn-Thành-Tín chơi đủ món như đánh “fỏm”, bài cào, cá ngựa và dĩ nhiên không thể thiếu đó là cờ vây. Khi đêm đến cái thú của bọn tôi là ngồi xem Tuấn và Thành đánh cờ và thi nhau cười bể bụng! Hai anh em vừa đánh vừa tranh luận, cãi nhau. Ván cờ thì đầy rẫy sai sót và khác thường! Họ không phát triển đất đều bàn cờ mà thường “đánh lộn” ngay từ đầu và cứ từ một nhúm quân đánh lộn đó mà “phình” ra rất mắc cười! Và anh em chúng tôi ngồi ngài bình luận, kích thêm vào khiến ván đấu càng thú vị!
Trở lại nói tiếp giải đấu, sau khi Tuấn thắng tôi, trận đấu Thành – Tuấn là trận “đinh” của giải lần này, và tôi trực tiếp “mục kích” trận đấu này.Đây quả là một ván đấu chất lượng không cao và sai lầm nối tiếp sai lầm. Người thua là người sai lầm cuối cùng và đó chính là Tuấn! Trong ván anh có rất nhiều cơ hội thắng trận nhưng cái tính “gàn” đã một lần nữa cản anh bước lên bục cao nhất. Thành thì thi đấu dưới sức mình, lạc nước quá nhiều. Có lẽ anh không nghĩ nhiều về cờ mà nghĩ làm sao để triệt những “ý định” , “những nước đi yêu thích” của Tuấn! Nhưng cuối cùng anh vẫn giành chiến thắng để đi đến ngôi vô địch giải lần này.
Cần nói thêm là sau khi thắng Tuấn thì hôm sau Thành gặp tôi và anh thắng tôi một cách thuyết phục. Đây là chức vô địch quốc gia lần đầu tiên của Thành và chiến thắng của anh hoàn toàn xứng đáng!
3/Tôi “Happy” vì thắng “hiện tượng” Bùi Lê Khánh Lâm:
Nói về giải này có lẽ điều duy nhất làm tôi “khoái” là thắng “hiện tượng” Bùi Lê Khánh Lâm! Tôi có một “tính xấu” là khoái “trị” các kỳ thủ trẻ đang lên. Năm 2005 Lâm nổi lên là một kỳ thủ trẻ có phong độ ấn tượng, đánh đâu thắng đấy. Tại giải vô địch TP.HCM năm 2005 Lâm thắng cả Tuấn và Thành đoạt chức vô địch (Tôi không tham dự mà làm trọng tài). Đến giải toàn quốc 2005 thì Lâm thắng luôn cả Hoàng Nam Thắng và Trần Trung Tín. Như vậy là Lâm đã thắng cả 4 “đại tướng” trước khi gặp tôi. Và tôi và Lâm đã có cơ hội gặp nhau tại ván cuối của giải và tôi cầm đen. Trận này mang ý nghĩa là tranh hạng 3 nhưng với tôi nó còn có ý nghĩa “sâu xa” hơn: “Ah, 4 đại tướng đã bị Lâm vượt qua nhưng ta là đại tướng cuối cùng sẽ không để Lâm vượt qua”! Hi hi, quả là suy nghĩ thật là ….Vì thế tôi đánh rất quyết tâm và nghiêm túc ván này. Hai thầy trò fighting loạn xạ trong ván và vận may lại đến với tôi. Ở tình huống quyết định xuất hiện một đòn chinh mà tôi ở thế bắt, trên đường đón chinh thì toàn là những bức tường dày của trắng nhưng thật may là lại xuất hiện “một con ghẻ” nằm lọt thỏm trong đó và nhờ nó mà tôi thắng được đòn chinh! Thắng ván này tôi đoạt hạng 3 chung cuộc, một thành tích theo tôi là OK.