Có quá nhiều điều để kể và “bật mí” tại giải đấu này và tôi cũng không biết phải sắp xếp bắt đầu như thế nào. Thôi thì nhớ đâu nói đó, có gì chưa mạch lạc mong các bạn thông cảm nha!
1.Sau nhiều năm tập luyện và chơi “chay” đến năm 2006 cờ vây đã bắt đầu có “màu”!
Năm 2006 cờ vây chính thức được coi như một môn thể thao và được đưa vào thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần IV vào tháng 8 tại Kiên Giang. Vì vậy sau bao năm chơi “chay” đến năm nay đội cờ vây TP.Hồ Chí Minh chính thức được thành lập và các thành viên của đội được hưởng ‘lương” dưới sự quản lý của Trường năng khiếu nghiệp vụ TDTT. Thành phần của đội lúc đó là Duy, Khương là HLV, các kỳ thủ Tuấn, Thành, Lâm, Dương, Tâm Anh, Như Nguyệt, Mỹ Phụng là VĐV.
Được giao chức HLV trưởng nắm toàn đội cờ vây phải nói là tôi rất Happy. Vậy là có thể sống với công việc mà mình yêu thích rồi và tôi tự nhủ phải cố gắng hết sức mình cả trong huấn luyện và thi đấu để có uy tín và được tín nhiệm. Thêm nữa là “ý nghĩa to lớn” của giải Đại hội lại khiến tôi trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết. Có thể nói năm 2006 là năm mà tôi ăn cờ vây, ngủ cờ vây và ….cờ vây. Thậm chí có lúc tôi vừa ôm bé Khánh Nguyên con tôi (lúc đó cháu một tuổi rưỡi) vừa tập luyện mà do mải tập trung tôi đánh rơi cháu lúc nào không hay!. Sau “trận thua trí mạng” trước Trần Trung Tín, một lần nữa tôi lại “ép xác” mình!
Không chỉ tôi mà cả thành viên khác trong đội như Chí Thành, Tâm Anh… cũng tập rất chăm và quyết tâm hơn bao giờ hết. Một chi tiết nhỏ vui vui là Tâm Anh định chuyển hệ đánh K-Style và tuần nào tôi cũng đến nhà “cô bé” để huấn luyện nhưng chỉ sau 01 tháng là cô nàng bỏ cuộc vì “rơ này chẳng thấy đất đâu mà người ta nhảy vào thì bắt chẳng được!”.
2.Ván 1: Chiến thắng may mắn!
Bốc thăm ván 1 tôi gặp Nhật Duy của Đà Nẵng và cầm đen. Về Nhật Duy tôi đánh giá em là một kỳ thủ có thiên tư về cờ, tư duy rất sáng nhưng kỹ năng và ý chí thi đấu thì hơi “tệ “. Ước gì em có được khoảng 70% “công lực thi đấu” của đại ca em là Hoàng Nam Thắng thì có lẽ em đã gặt hái thành công hơn nhiều rồi.
Trở lại ván đấu, Nhật Duy dễ dàng hóa giải K-Style của tôi và luôn dẫn trước đến giai đoạn quan tử. Chiến thắng đã gần kề nhưng chẳng hiểu sao bước vào đợt “cọ sát chiến thuật” cuối cùng Nhật Duy lại “lớ ngớ” để tôi ăn 4 con trị giá hơn 10 đất (review lại thì thấy có rất nhiều phương án dễ dàng, đơn giản để giải quyết!). Kết thúc ván cờ tôi thắng Duy 4 đất! Một sự khởi đầu rất may mắn!
(Ba năm sau 2009 tôi lại gặp Nhật Duy tại giải TQ ở Hà Nội và một lần nữa tôi lại thắng em may mắn trong giai đoạn cuối. Tôi nói ra đây không có ý chê bai Nhật Duy hay tự khen mình mà tôi thật sự mong em rút được kinh nghiệm qua những lần “thua đau” như vậy và nếu em khắc phục được những nhược điểm của mình trong thi đấu thì một ngày đẹp trời nào đó “Ông Trời” sẽ chiếu vào em. Vòng 1 cũng đã xảy ra một kết quả “bất ngờ” là “kỳ thủ trẻ” Đỗ Khánh Bình đả bại Trần Anh Tuấn – chủ lực của TP.Hồ Chí Minh. (Nhưng với tôi thì không có gì là bất ngờ cả! Tôi sẽ nói sau)
3.Ván 2: Một buổi chiều “ngột ngạt”!
Ván 2 tôi gặp “đệ tử” của tôi Nguyễn Võ Dương và một trong hai thầy trò phải “ở lại”. Võ Dương là học trò của tôi và là người theo tôi đi dạy cờ vây nhiều năm qua. Tại giải đại hội 2006 lần này, Dương cũng là một kỳ thủ tập luyện và thi đấu rất nghiêm túc, phong độ cũng khá ổn định. Tại cuộc họp đội trước giải tôi cũng đã tuyên bố trước đội nam là gặp nhau nếu bằng điểm thì đấu thẳng cánh, không có “ván cờ chiến thuật”. Và khi có kết quả bốc thăm là Dương gặp tôi thì em cũng lễ phép xin “quyết đấu” một trận với tôi và hai thầy trò bắt tay cười sẵn sàng một trận đấu sòng phẳng.
Nhưng rất tiếc cho Dương là lãnh đạo đội TP.HCM đã đi đến quyết định là Dương phải buông cho tôi với 3 lý do sau:
– Tính chất quan trọng của giải đại hội
– Về trình độ và kinh nghiệm trận mạc tôi vẫn ở một “level” cao hơn.
– Giữ sức cho tôi, sợ Dương “quần” tôi mệt nhoài!
Vậy là tôi đã có một điểm và được nghỉ ngơi một buổi chiều còn Dương thì cũng hiểu và chấp nhận. Qua bài viết này thầy cảm ơn Nguyễn Võ Dương!
Chiều thi đấu ván 2 là một buổi chiều hết sức buồn! Đỗ Khánh Bình tiếp tục đánh bại Bùi Lê Khánh Lâm, Tâm Anh thì thua Hồng Anh, Như Nguyệt thua Thanh Mai….
4.Ván 3: Chiến thắng Đỗ Khánh Bình – Một trận đấu “không thể nào quên”…
Như đã nói trên kết quả chiều thi đấu ván 2 đã mang tới một bầu không khí “ảm đạm” cho toàn đội thành phố, tinh thần lúc bấy giờ đã xuống mức thấp nhất. Cả đội ngồi lặng lẽ ăn tối mà ít ai nói lời nào. Thỉnh thoảng Trần Chí Thành cũng có chút bông đùa hoặc HLV Trần Đăng Khương có vài câu “lên dây cót” tinh thần đội nữ. Tuy nhiên toàn đội hiểu rằng sáng mai thi đấu ván 3 bảng nam mới là buổi quyết định nhất và khắc nghiệt nhất. Đó là Duy gặp Bình và Thành gặp Thắng và cả 4 kỳ thủ đều đã giành thắng lợi 2 vòng đầu tiên. Kết quả 2 cặp đấu này sẽ quyết định đến 80% chiếc HCV đồng đội và cá nhân. Lúc này tâm lý của Đà Nẵng đang “phơi phới” vì họ xác định mục tiêu ban đầu là HC bạc (sau đội TP) nhưng giờ đây với với sự khởi đầu quá thuận lợi như thế này thì tại sao lại không mơ và tham vọng cao hơn (một tham vọng không chịu một sức ép nào!).
Như tôi đã tâm sự trước đây, mỗi một giải tôi luôn có “khao khát” muốn “trị” một kỳ thủ trẻ đang lên và giải lần nay đối tượng không ai khác hơn chính là Đỗ Khánh Bình (năm ngoái là Bùi Lê Khánh Lâm). Tuy nhiên khi bước vào giải thì “niềm khao khát” đi kèm với “nỗi sợ hãi”. Trước giải Bình có giao lưu với tôi vài ván trên KGS và em đã luôn “dẫn điểm” tôi. Không chỉ thua về kết quả mà tôi còn thực sự bị ấn tượng bởi lối chơi và sức cờ của Bình, một phong cách rất tự tin, fighting, dám ăn thua nhưng lại rất hợp lý chứ không “củi”. Tôi rất đau đầu vì em trước khi vào giải nhưng đến khi gặp trực tiếp em tại Kiên Giang thì tôi càng hoảng hơn nữa vì khuôn mặt quá sáng láng và ngây thơ (không biết sợ!) của em (chứ không đầy mụn và “cáo” như bây giờ ^^). Tôi thầm nghĩ đây là mối hiểm họa lớn nhất của đội TP.HCM và quả nhiên là như vậy. Hai vòng đầu tiên em đã đánh bại hai kỳ thủ “gấu” nhất của thành phố là Tuấn và Lâm. Trước trận đấu Tuấn – Bình tôi đã cảnh báo với Tuấn rất nhiều về tiềm năng của Bình nhưng kết cục anh vẫn thua và trong ván cờ đó tôi vẫn thấy có rất nhiều nước bắt quân “lơn tơn” của anh và Bình dù rất trẻ (17 tuổi) đã không hề “choáng” bởi những nước bắt quân đó như những kỳ thủ trẻ khác.
Cả tối và đêm hôm ấy tôi nằm “vắt tay lên trán” suy nghĩ phương án đối phó với Bình. Đây không chỉ là trận chiến quyết định tấm huy chương mà còn là ảnh hưởng đến tâm lý chung, ảnh hưởng đến bước đầu con đường “cờ vây chuyên nghiệp” của tôi. Đánh kiểu gì đây? K-Style thì đương nhiên sử dụng rồi và Bình cũng biết khá nhiều rồi. Đánh gấu là đương nhiên rồi! Vậy còn lại là vấn đề “phong thái” đó là nhanh hay chậm, lịch sự hay “điên cuồng”? Tôi nghĩ nếu tà tà đánh bình thường thì rất “khó” mà thắng Bình lúc này, mà đánh dần thì kiểu gì cũng đến lúc “điên”! Vì vậy tôi quyết định là phải đẩy cờ “điên” ngay từ đầu và duy trì liên tục trạng thái này. Trong “điên” có “tỉnh” và tôi hy vọng với tuổi đời và kinh nghiệm lâu năm tôi sẽ nhỉnh hơn Bình về mặt này!
Sáng hôm sau tôi bước vào phòng thi đấu với vẻ mặt “không lấy gì làm thân thiện cho lắm” và ngay bước đầu tiên tôi đã giành được lợi thế tâm lý sau khi bốc thăm màu quân đó là cầm đen, điều mà tôi thật sự mong muốn. Sau khi đánh được khoảng hơn mười nước và đánh giá tổng quan tình hình tôi bèn tạo thế Ko điên (Ko đâu cũng bỏ) và ngay lập tức được Bình ưởng ứng và đương nhiên chiến thắng Ko điên này là tôi. Thật ra cái Ko này (tôi nhớ ở góc trái dưới bàn cờ) chẳng có giá trị nhiều về đất cũng như thế toàn cục nhưng vấn đề nó là cá tính và ưu thế tâm lý trong một trận đấu căng thẳng như thế này (tình huống này cũng gần giống với tình huống mà tôi đã từng thua Trần Trung Tín tại giải tuyển chọn 1999). Và quả nhiên sau khi thua Ko này khí thế của Bình tự nhiên “chùng xuống”, chất fighting, quậy cờ kém sác nét hẳn, em đi “lạc nước” nhiều và tôi tranh thủ Sente triển khai những nước lớn khống chế toàn cục. Kết thúc ván đấu tôi thắng 7 đất.
Ở bàn bên Trần Chí Thành cũng đã chiến thắng Hoàng Nam Thắng trong môt trận đấu nghẹt thở khi mà Thành chỉ còn khoảng 20 giây và Thắng còn đến 53 giây mà cờ thì vẫn đang ở giai đoạn trung cuộc! Vốn là một cao thủ Blitz từ hồi còn thi đấu cờ vua, bằng những động tác “múa tay” khéo léo Thành rất “bình thản” đã đưa Thắng vào thế “mụ cờ” và khiến đối thủ hết giờ ! Xin ngả mũ khâm phục Trần Chí Thành trong những tình huống như thế này.
Về “chiến thắng lớn” ở vòng 3 này tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến HLV Nguyễn Đăng Khương, người bạn lâu năm của tôi. Trước tình huống “căng như dây đàn” ở vòng 3 này, hơn ai hết anh hiểu rằng điều tốt nhất làm cho tôi bây giờ là có một cơ sở xông hơi – matxa cao cấp để phục hồi và nâng cao sức mạnh thể chất cũng như tinh thần cho tôi. Và anh đã cất công thuê xe ôm đi hỏi và thăm dò nhiều chỗ tại TP Rạch Giá và cuối cùng chọn được một cơ sở tên là Mimoza cao cấp không kém gì TP.HCM. Sau khi ăn tối anh liền dẫn tôi đến đó và tôi đã có 2 giờ enjoy thư giãn và hồi tưởng về tất cả mọi vấn đề liên quan đến trận đấu quyết định sáng mai!
Chiến thắng “kép” ở vòng 3 tưởng sẽ mang lại niềm vui và sự an toàn chắc chắn cho đội nam TP.HCM nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy, còn rất nhiều kịch tích và phải đến vòng áp chót mới quyết định được số phận của đội và cá nhân tôi! Hãy xem tiếp phần sau sẽ rõ!
5.Ván 4: EMBARRASSMENT
Có lẽ tôi xin mạn phép được dùng từ tiếng Anh này mới lột tả được hết tình thế và tâm trạng của tôi vào buổi trưa hôm đó sau khi kết thúc ván 3 thắng Bình và chuẩn bị bước vào đấu ván 4. Nó tạm dịch có nghĩa là “bối rối, lúng túng, khó chịu, không tự nhiên”…
Ván 4 tôi gặp chính ngưới đồng đội cùng sát cánh với tôi trong suốt quá trình thi đấu giải là Trần Chí Thành. Thật “nghiệt ngã” ,”trớ trêu” và biết làm sao được khi hôm qua chúng tôi còn “chụm đầu vào nhau” ngồi bàn phương án đối phó đội Đà Nẵng để cho đến hôm nay chỉ còn có tôi và anh trên đỉnh và buộc là “đối thủ” của nhau. Một chi tiết nhỏ giờ mới kể là đêm qua nằm cạnh anh chính tôi đã thầm nghĩ có khi lo lắng về mấy ông Đà Nẵng là “lo hão”, nếu tui với ông mà cùng thắng chiều sẽ đụng nhau thì mới là “khó xử” đây nè!
Có lẽ theo lẽ thường tình và hợp lý thì tôi (với chức danh chính lúc bấy giờ là HLV trưởng) nên hài lòng với chiếc HCV đồng đội Nam và thắng lợi chung của đội nam TP.HCM còn chiếc HCV cá nhân thì nên là của Thành! Nhưng thật sự “chất kỳ thủ” trong thằng tôi vẫn mạnh hơn tất cả, tôi vẫn tham và “muốn” có được chiếc HCV cá nhân sau một năm lao tâm khổ tứ. Đắn đo giữa 2 suy nghĩ này tôi bối rối thật sự không biết tính làm sao! Cuối cùng tôi đã không chủ động “ván cờ chiến thuật” với Thành. Nhưng tâm lý của tôi bước vào trận đấu này đã xuống mức thấp nhất: không quyết tâm, không tính toán, không fighting…và tôi đã thay đổi cả Style, không sử dung K-Style trong trận đấu này nữa. (Đây cũng là câu trả lời của tôi đối với câu hỏi bấy lâu nay của một số học trò: Tại sao trận “quyết định” với thầy Thành thì thầy lại không sử dụng K-Style?)
Cả hai chúng tôi bước vào trận đấu với một tâm trạng nặng nề! Bốc thăm màu quân tôi cầm đen (chẳng nghĩa lý gì) và triển khai Korea Style chứ không phải Kenedi-Style. Sau vài nước đầu của tôi thì Thành có khựng lại và ngỡ ngàng đôi chút. (Có lẽ anh suy nghĩ và không biết tôi muốn làm cái trò gì?) Trận đấu lại tiếp tục và như các bạn biết rồi đấy, sử dụng sở đoản đánh với sở trường của đối thủ mà lại không quyết tâm thì ….Đến hết giai đoạn trung cuộc thì Thành ưu thế về đất quá lớn. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn quan tử thì không hiểu sao Thành lại sơ sót quá nhiều nước và tôi chẳng cần cố gắng gì nhiều để lấy lại những thất thế về đất trong trung cuộc. Kết thúc đếm đất tôi 54 đất còn Thành 47 đất, trừ Komi 6,5 vậy là tôi thắng nửa đất!
Người thua đau đớn, người thắng cũng không vui chút nào. Giờ đây thời gian đã qua lâu và “những vết thương cũng đã lành” , cả hai chúng tôi cũng đã bước vào U50 rồi, tôi thành tâm gửi đến Trần Chí Thành sự kính trọng của tôi đối với anh và mong anh thông cảm cũng như hiểu cho tôi về trận đấu “khó quên” này…
6.Ván 5: Mối nguy hiểm lại đến từ chính “gà nhà” Trần Anh Tuấn:
Sau khi thua Bình ván đầu tiên thì Tuấn bắt đầu “lội ngược dòng”, anh lấy lại phong độ thắng liền 3 trận để lên bàn 1 gặp tôi trong trận thứ 5 của giải. Như tôi đã nói trước đây, sau một mạch thắng dài trước Tuấn từ 2002 đến 2004 thì đến giải 2005 Tuấn đã bẻ được cầu WIN của tôi trước anh. Cá nhân tôi nghĩ trận thắng năm 2005 giúp anh lấy lại tự tin và không bị át “vía” mỗi khi gặp tôi. Và tôi hiểu trận lần này với Tuấn sẽ rất khắc nghiệt không kém gì trận đánh với Bình. Cái “gai” nhất ở đây là Tuấn đã thua 1 trận rồi và “không có gì để mất” còn tôi đang trên đỉnh thì có “quá nhiều thứ để mất”. Vì vậy về tâm lý, Tuấn có lợi thế hơn tôi rất nhiều. (Và xin nhắc lại rằng các trận đấu giữa Tuấn với tôi và Thành thì không có khái niệm “ván cờ chiến thuật”!)
Sáng hôm sau trận đấu bắt đầu và tôi lại “may mắn” cầm đen. Khai cuộc và trung cuộc diễn ra bình thường và tôi có ưu thế đôi chút. Nhưng kịch tính bắt đầu ở chỗ sau một đợt cọ sát chiến thuật ở góc phải dưới thì Tuấn có khoảng 15 con trắng cần phải nối về để an toàn. Tôi nghĩ Tuấn sẽ nối và tôi sẽ có Sente để khép lại Moyo ở giữa bàn cờ. (Gọi là Moyo cho oai chứ thực ra đã bị trắng quậy và thu hẹp lại rất nhiều rồi chỉ còn khoảng 30 đất!). Nhưng thật bất ngờ Tuấn không thèm đỡ nối về mà găm mình chạy vào “Moyo” của tôi (100 người thì có đến 99 người nối, chỉ có Tuấn là không nối!). Tôi buộc phải cắt ăn ngay 15 quân đó (trị giá hơn 30 đất) và Tuấn có sente quậy tiếp vào Moyo của tôi. Đến đây một vấn đề xảy ra là một đám quân ở giữa biên trái của tôi bị đe dọa và phải thủ sống. Lúc này thời gian của tôi đã cạn và tôi “lóng ngóng” chọn phương án thủ sống dở nhất là sống được nhưng lại bị trắng cắt ăn 8 quân đen ở giữa bàn cờ! (Sau này Review tôi mới tìm được cách thủ sống đơn giản mà không mất 8 quân đen đó và như vậy thì chiến thắng sẽ thuộc về tôi). Tiếp tục đến giai đoạn thu quan không có gì để bàn và khi đếm đất thì Tuấn thắng tôi 8 đất!
Trận thua của tôi trước Trần Anh Tuấn ở vòng 5 lại dấy lên nguy cơ mất HCV cá nhân về tay Hoàng Nam Thắng của Đà Nẵng và tôi hình dung ra một kịch bản xấu như thế này: Duy tiếp tục thua Thắng, Tuấn tiếp tục thắng Thành và cuối cùng thì Tuấn thua Thắng và như vậy thì ôi thôi….Trong thời điểm đầy sóng gió này, tôi đã có những giây phút “yếu mềm”: Tôi hối hận vì đã thắng Thành, tôi nghĩ nếu để Thành lên thì cửa vô địch cá nhân nam về TP.HCM là đến 99% vì Thành đã thắng Hoàng Nam Thắng rồi, dẫu có thua Tuấn đi chăng nữa thì vẫn vô địch!
Chặng đường đi đến chiếc HCV còn qua 2 cửa ải đầy gian khổ, khắc nghiệt và tôi lại phải tới Mimoza matxa để thư giãn và suy nghĩ cho trận đấu kế tiếp chiều nay mà tôi gặp đối thủ “kỵ rơ” nhất Hoàng Nam Thắng!
7.Ván 6: Trận đấu với Hoàng Nam Thắng – Một kiểu mẫu về “tinh thần” :
Hai lần gặp nhau với Thắng gần nhất là vào năm 2002 và 2004 tôi đều thua trận trước anh. Nhưng “trớ trêu” là hai năm đó tôi đều lên ngôi vô địch! Nhưng lần này thì không thể vin vào thống kê đó để mà thua tiếp anh. Lần này mà thua nữa thì thực sự là “thảm họa”. Trong phòng thư giãn cao cấp của Mimoza đầu tiên tôi hồi tưởng lại những ván mà mình đã thua Thắng. Những bài học được rút ra vô cùng quý giá! Một điều nhận ra là tôi đã không luôn giữ được cái đầu “lạnh” trước Thắng. Tôi xây dựng Moyo, anh dùng những đòn hóc hiểm và “chất lỳ” của mình để sống hoặc lấy Sente và sau đó tôi gồng mình lên goánh tiếp đám quân của anh nhưng bất thành. Nhưng lúc đó tinh thần tôi bị chùng xuống, và tất nhiên là đi lạc nước. Vì vậy đều quan trọng nhất mà tôi phải luôn ghi nhớ khi đấu với anh chiều nay là: Bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh! Tôi sẽ triệt để triển khai K-Style và tấn công những đám quân của anh, anh sẽ sống hoặc “thách thức” không đỡ những nước mà tôi “mong” anh đỡ! Và tôi cần phải bình tĩnh sau những tình huống khó chịu đó, tiếp tục triệt để với những ý tưởng và kế hoạch của mình. Tinh thần của tôi khi đấu với anh phải khác hẳn khi đấu với Bình, đó là không điên cuồng, nóng vội, tốc độ và thay vào đó là bình tĩnh, bình thản, không nóng giận, không rối trí, tính toán làm việc cụ thể trên bàn cờ như một con “ong thợ”!
Tôi nhắm nghiền mắt và hồi tưởng về “đời thi đấu” của mình! Tôi biết tôi đang sợ và nếu tôi thua chiều nay thì mọi thứ rất, rất tệ…Tôi nhớ về “trận thua trí mạng” trước Trần Trung Tín với những nỗi đau mà mình đã phải chịu đựng, và sau chiều nay có thể sẽ có một nỗi đau tương tự như thế…Mọi thứ đều đang chống lại tôi nhưng tôi không còn đường lùi nữa rồi…
Buổi chiều tôi bình thản bước vào thi đấu một trận quyết định “vận mệnh” cờ vây TP.HCM và cả cá nhân tôi và diễn tiến trận đấu đúng như tôi đã dự liệu trước.
Sự “khó chịu đầu tiên” mà tôi gặp ngay đầu tiên đó là bốc thăm cầm quân trắng (nhưng tôi đã chuẩn bị tâm lý trước cho điều này rồi). Tôi triển khai xây dựng Moyo và Đen nhảy vào ngay. Một đám quân đen “chình ình” trong “bụng” của tôi. Lúc này xảy ra một tình huống là tôi phải đi một nước cờ để duy trì K-style và tấn công đám quân đó. Nhưng kinh nghiệm đã mách bảo tôi là chắc chắn Thắng sẽ không đỡ vì đám quân đó vẫn còn một lối thoát chạy. Thay vào đó anh sẽ dùng sente để giải quyết góc trái trên cũng đang khá “bận rộn”. Và tôi lại tự nhủ phải thật kiềm chế và bình tĩnh trước sự “không đỡ” của đen. Và đúng như vậy sau khi tôi thực hiện nước đi của mình thì Thắng không chần chừ một giây giải quyết ngay một nước ở góc trái trên. Không nao núng, tôi tiếp tục tấn công và đuổi đám quân yếu từ trung tâm đến biên dưới của bàn cờ và đến lúc này đám quân đen lại xuất hiện “2 khả năng sống”. Và Thắng lại tiếp tục “không đỡ” để đi thêm một nước ở góc trái trên. Bình thường như trước đây thì tôi “sôi máu” thật sự nhưng giờ đây tôi lại bình thản đến lạnh lùng! Tôi bình tĩnh nhận định nếu bây giờ mà mình tiếp tục “bỏ lơ” góc trái trên thì đất đen quá lớn và không chỗ nào có thể bù đắp được. Nhưng tôi vẫn tiếp tục tấn công “con rồng lớn” này để thu thêm các lợi ích và đến khi thấy con rồng “sống rõ mồn một” lúc đó tôi mới quay lại để đi một nước bình ổn và hạn chế đất của đen ở góc trái trên.
Đến lúc này thì đất đen có phần nhỉnh hơn và một cơ hội cuối cho tôi là đám quân ở góc trái dưới hơi “mỏng” (Thắng cũng chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của đám quân này và anh đã bỏ lỡ vài sente để củng cố nó) và nhờ việc quyết liệt bắt con rồng nên tôi có được những bức tường và những “cái chân” hết sức lợi hại phục vụ cho mục tiêu cuối cùng này. Tôi đã nhảy thẳng vào tam tam và lần này bắt thành công toàn bộ đám quân đen ở góc trái dưới, cuối cùng đen Resign.
Chứng kiến trận đấu này từ đầu đến cuối, “những nút thắt” về tinh thần trong trận đấu, HLV Nguyễn Đăng Khương phải thốt lên: “Duy đánh trận này quá hay, nhất là ở sự kiên định về ý tưởng và phong thái lạnh lùng, bình tĩnh trước những thời khắc quan trọng!”
Không thể diễn tả nỗi vui sướng của tôi trước chiến thắng này, giờ đây đội nam TP.HCM đã đoạt HCV đồng đội, còn HCV cá nhân thì sẽ thuộc về tôi hoặc Thành và thêm nữa tôi đã thắng được đối thủ “kỵ rơ” bấy lâu nay.
(Nói thêm: Năm 2010 sau 4 năm tôi lại có dịp đối đầu với Thắng tại giải đại hội lần 6 và lần này tôi đã không “giữ được mình” tiếp tục để thua anh! Tôi cầm đen và xây Moyo, trắng nhảy vào tôi bắt rát đến 90% là chết nhưng nó vẫn sống. Tôi bắt đầu hoang mang và Thắng tiếp tục bằng những đòn hóc hiểm sống nốt dưới cái biên phải, phần đất còn lại của tôi! Tôi “nóng gà” và may thì lại bắt được một đám quân trắng ở góc phải trên, trắng chống cự trong vô vọng nhưng tôi lại lóng ngóng để ra hình Ko và trắng có cơ hội. Kết thúc tôi thua Thắng 6 đất. Anh vẫn là kỳ thủ đáng sợ hơn bao giờ hết!)
8.Ván 7: Lòng dũng cảm!
“Tất cả mọi hành động đều có rủi ro, vì vậy thận trọng không có nghĩa là tránh nguy hiểm mà là tính toán rủi ro và hành động quyết đoán. Hãy sẵn sàng “chết” vì tham vọng và ý tưởng của mình chứ đừng “chết” vì sợ sệt và lười biếng!” Tôi đã từng nghe một triết gia nói như thế (Sorry tôi quên mất tên ông ta rồi).
Tôi trích dẫn câu nói này để mô tả tình huống của tôi ở ván cuối cùng. Ván cuối cùng tôi gặp một “giang hồ thứ thiệt” Trần Thiện Phước. Những ngày đầu mới học cờ Phước theo học tôi nhưng rồi sau một thời gian chuyển qua học Thành và họ trở thành “một cặp bài trùng”! Khi có kết quả bốc thăm thì tôi có nghe nói Phước sẽ rất quyết tâm với tôi vì Thành và điều đó là đương nhiên rồi. Cho đến trận này tâm lý của tôi đã nhẹ đi rất nhiều rồi vì đội nam HCM đã vô địch đồng đội và nếu tôi thua thì Thành sẽ vô địch và thú thực tôi cũng không hối tiếc gì nhiều lắm. Tuy nhiên cờ đã đến tay rồi thì phải tiếp tục ráng thôi…Nhưng chính những giấy phút gần đến vinh quang rồi thì trong thằng tôi lại nảy sinh một tậm lý sợ sệt và thận trọng! Như tôi đã nói trước đây, K-Style chứa đầy sự mạo hiểm và bất kỳ một kỳ thủ dưới cơ nào cũng vẫn có thể thắng tôi. Vì vậy tôi nghĩ hay là chuyển sang Korea – Style sẽ an toàn hơn vì xét về trình độ cờ thì tôi vẫn trên cơ Phước một bậc. Tuy nhiên bỏ K-Style có nghĩa là tôi đã đánh mất “phần hồn” của mình trong trận đấu. Hai ý tưởng đối lập này cứ làm tôi đắn đo suốt cả một buổi tối mà tôi chưa biết tính sao. Và… tôi lại phải đến Mimoza matxa để “giải quyết vấn đề”. Sau khi phục hồi sức khỏe, tôi nghiệm ra ngay là: nếu thắng thì cách nào cũng good cả thôi còn nếu tôi thua thì kiểu nào cũng đau nhưng nếu tôi chuyển Korea – Style mà thua thì cách thua này sẽ dằn vặt tôi có lẽ đến hết hết đời vì đó là kiểu thua do “chết nhát”, còn thua theo kiểu K-Style là kiểu thua”trung thành với phong cách”!. Nghĩ ra lập luận này tôi thấy thoải mái hẳn ra và quyết định vẫn tiếp tục sử dung K-Style cho trận cuối quyết định này.
Sáng hôm sau trận đấu bắt đầu và tôi đi quân trắng. Có lẽ không có gì đặc biệt về cờ để bàn về trận đấu này, với đẳng cấp cao hơn tôi dễ dàng chiến thắng Phước 17 đất và đoạt chức vô địch cá nhân nam, trở thành nam kỳ thủ đầu tiên giành chức vô địch cờ vây tại Đại hội TDTT toàn quốc (4 năm tổ chức một lần).
9.Vài điều tâm sự:
-Tôi đã quá lao tâm khổ tứ, “ép xác” vào giải đấu này và sau giải tôi tự hỏi liệu nếu tôi thua trận trước Hoàng Nam Thắng và HCM mất ngôi vô địch thì không biết tôi có “sống” nổi không? Từ sau trận thua trí mạng trước Trần Trung Tín tôi đã tự nhủ rằng từ nay không bao giờ quá tham vọng và hãy cố gắng Enjoy mỗi giải đấu, nhưng rồi tôi cũng” quên” và vi phạm nguyên tắc đã đặt ra. Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi “hành hạ” mình như thế này.
-Sau giải tôi trở nên “bần thần” cả người và phải mất một thời gian khá lâu nhịp sống mới trở lại bình thường. Đơn giản là vì không còn tập luyện và tập luyện, không còn một động lực lớn nào!
-Tôi chia sẻ với Hồng Anh (Kiên Giang) về thất bại đau của em tại giải này. Cho đến trước giải này, em là nhà vô địch tuyệt đối, không có đối thủ (vì tin tưởng vào chiến thắng “chắc chắn” của em mà Kiên Giang đã đăng cai tổ chức giải cờ vây đại hội). Sau 4 vòng em thắng tuyệt đối nhưng đến vòng 5 và 6 em “bất ngờ” ngã ngựa trước Như Nguyệt và Kim Long nên mất chức vô địch.
-Tôi thất vọng vì trận thua quyết định tranh chiếc HCV đồng đội nữ của Tâm Anh trước Kim Long (Bến Tre) ở ván cuối. Nếu em thắng thì chiến thắng của đội TP.HCM sẽ “ngọt” hơn và hoàn hảo hơn. Tuy nhiên tôi không trách em vì lúc ấy em mới chỉ có 14 tuổi mà đã phải đương đầu với một nhiệm vụ khá nặng nề và em đã chưa thể vượt qua.
-Giành chiến thắng này tôi xin gởi lời cảm ơn đến gia đình tôi, lãnh đạo Sở TDTT và trường NKNV TDTT TP.Hồ Chí Minh, Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (nơi tôi đang làm việc lúc bấy giờ) cũng như các đồng đội và học trò của tôi./.HẾT