Sau nhiều năm tự rèn luyện và chơi cờ tự phát, điều mong ước bấy lâu rồi cũng đến. Năm 1999 Việt Nam gia nhập Hiệp hội cờ vây thế giới và đã nhận được thư mời tham dự giải vô địch cờ vây Amateur thế giới được tổ chức hàng năm tại Nhật Bản.
Thật là háo hức làm sao, lòng cứ rộn ràng cả lên! Được đi Nhật Bản, mà lại đi đấu cờ vây nữa chứ. Ôi tuyệt vời! Ngày đó được ra nước ngoài là hãnh diện lắm, khó khăn lắm chứ không dễ dàng như bây giờ. Giải tuyển chọn chưa diễn ra mà tôi đã tự coi mình sẽ là người Việt Nam đầu tiên đại diện giải đấu này, chắc 100% đấy nhé!. Cũng có lý thôi, lúc đó về mặt thực lực tôi đã trở thành kỳ thủ mạnh nhất Việt Nam. Đấu giao hữu với Hà Nội tôi cũng vượt trội, còn ở phía Nam thi đấu tập hàng ngày tôi đều chấp được những Thành, Tín, Thắng, Tuấn 2 con. Đẳng cấp vượt hẳn rồi còn gì! Còn ai ngoài ta! Vô đối!
Giải tuyển chọn thi đấu ở Vũng Tàu vào tháng 3 năm 1999 có 5 kỳ thủ tham dự là Lê Mai Duy, Trần Trung Tín (TP.HCM), Đoàn Vũ Chung, Vũ Thiện Bảo (Hà Nội), Hoàng Nam Thắng (Đà Nẵng). Thể thức thi đấu là 5 kỳ thủ sẽ đấu vòng tròn một lượt, lấy hai người đứng đầu đánh một trận quyết định, ai thắng đi Nhật!
Bốc thăm thi đấu ván đầu tiên tôi gặp Tín và cầm trắng. Với trình độ của mình, tôi dễ dàng lấn lướt Tín trong giai đoạn đầu. Quần thảo đến một đoạn thì một đám quân của Tín lâm nguy và phải Ko để sống (thuộc dạng Ko “điên”, Ko đâu cũng bỏ). Tín thắng Ko để cứu sống đám quân này và chịu mất một đám quân khác khoảng gần 30 con ước hơn 60 đất. Nếu ván cờ diễn ra ở thời điểm hiện nay, tôi nghĩ nó đã kết thúc. Tuy nhiên lúc ấy nhận định và tâm lý của tôi còn nhiều hạn chế. Trước hết tôi đã không nhận định được cái Ko này là tôi được Enjoy Ko (thắng Ko thì thắng lớn mà thua Ko thì mất nhỏ, không đáng kề). Vì thế sau khi thua Ko, dù đã bắt được một đám quân lớn nhưng tâm lý của tôi bị “loạng quạng”. Tôi trở nên nóng mặt, mất bình tĩnh, sợ hãi và dẫn đến mọi nước cờ sau đó non tay hẳn. Trong khi đó Tín thì đấu càng về sau càng có sức nặng và kết cục đếm đất thắng tôi 4 đất. Tôi đã bị giáng một đòn rất đau ngay trận đấu đầu tiên!. Tuy nhiên tôi vẫn tin tưởng rắng tôi sẽ thắng tất cả các trận còn lại để đạt hạng nhì và đấu lại với Tín trận quyết định.
Kết cục vòng đầu rất thú vị. Tôi thắng Bảo và Bảo lại thắng Tín và 3 chúng tôi thắng hết 2 kỳ thủ còn lại là Thắng và Trung. Vì vậy không phải hai mà cả 3 đều vào vòng đấu quyết định để chọn người đứng đầu. Bốc thăm trận đầu tiên của vòng 2 tôi lại gặp Tín và lại cầm trắng!. Giờ đây tôi đã “biết” Tín là ai, thực sự tôn trọng cậu ấy. Tôi hạ quyết tâm cao độ để phục thù trận đấu này, quyết không bỏ lỡ các cơ hội như trong ván đầu.
Đầu ván cờ diễn ra khá êm ả và tôi vẫn có nhỉnh hơn đôi chút. Tuy nhiên khi sắp bước vào giai đoạn trung cuộc thì bất ngờ Tín thực hiện một nước đi “quan tử” (là một nước dở) và lại chủ động đẩy Ko. Rất mắc cười là đây là một cái Ko không quan trọng, không lớn nhưng do trình độ hạn chế cả hai đều sẵn sàng cho “Ko điên” và Tín lại là người được chủ động thoát Ko trước. Mặt đầy căng thẳng, môi mím chặt, tôi cố tìm Ko thật lớn nhưng nào có tìm được theo mong muốn của mình vì ván cờ vẫn đang trong giai đoạn khai cuộc. Thật ra trong tình huống này tôi chỉ cần chấp nhận thua Ko và đi được liền 2 nước cờ triển khai bình thường là “no” rồi. Nhưng nào tôi có nhận ra điều này! Và trong sự mụ mẫm ấy tôi đã Ko sai. Sau khi Tín thắng Ko và tôi đi được hai nước cờ liền, tình huống tiếp diễn đến một kết cục là tôi chẳng thu lợi được bao nhiêu mà còn mất sente. Đến lúc này thì tâm lý tôi trở nên căng thẳng và loạn thật sự vì Ko điên thua, dọa Ko lại sai nữa, rồi mất sente…Sau đó tôi bị lạc nước liên tục, lúc thì gấu quá, lúc thì nhũn quá. Chẳng hạn có những tình huống tôi đã tính được trong đầu là không thể bắt chết đám quân của cậu ấy nhưng vì không kềm chế nổi tôi vẫn lao vào bắt và lỗ quan tử nặng nề. Cuối ván cờ đếm đất tôi thua 8 đất. Giá lúc đó tôi giữ được bình tĩnh thì tôi vẫn còn rất nhiều cơ hội. Thực tế là sau khi thua Ko ván cờ vẫn đang ở tình trạng cân bằng, tuy nhiên tôi bị bất lợi về mặt tâm lý.
Thua ván này tôi gần như mất hết hy vọng. Chì còn một cơ hội nhỏ nhoi là hôm sau Tín sẽ thua Bảo và sau đó tôi thắng Bảo thì sẽ phải bốc thăm hoặc đánh cờ nhanh. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Tín tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng của cậu ấy và thắng Bảo, trở thành người Việt Nam đầu tiên xuất trận tại đấu trường cờ vây quốc tế.
Ảnh: Trần Trung Tín (Thứ tư từ trái qua) và Lê Mai Duy (Đội TP.HCM) nhận Huy chương vàng đồng đội tại giải Vô địch cờ vây toàn quốc 2004.
Đến bây giờ tôi có thể khẳng định trận thua trước Trần Trung Tín tại giải tuyển chọn 1999 là trận thua trí mạng trong sự nghiệp cờ vây của tôi. Và chiến thắng của Tín là hoàn toàn xứng đáng, tôi không có gì để biện minh khi thua liền hai ván! Tôi sụp đổ hoàn toàn. Nhiều đêm liền buồn bã, mất ngủ trong mấy tháng trời. Những sai lầm trong ván cờ cứ hiện lên trong tâm trí với muôn vàn câu hỏi tại sao? Tôi không còn một chút niềm tin, hứng thú gì về cuộc sống, về cờ vây, …
Và…6 tháng sau tôi giã từ “giấc mơ cờ vây”, “khăn gói” vào làm một công ty giao thông và bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời của một viên chức văn phòng./.
Tôi đã định dừng bài viết này tại đây sau khi đã tâm sự và chia sẻ hết những cảm xúc, những chi tiết rất thật của tôi vào thời kỳ đầy khó khăn đó. Nhưng rồi vẫn cảm thấy thiếu sót nếu chỉ toàn kể khổ và “khóc lóc” mà không rút ra được điều gì cho các bạn trẻ, nhửng học trò cờ vây của tôi.Và giờ đây sau khi đã trải qua bao “thăng trầm” ngồi ngẫm lại tôi chỉ muốn nói ngắn gọn như thế thế này:Đời chúng ta là đời thi đấu. Sẽ có thắng lợi và cũng phải có thua. Những trận thua làm chúng ta đau đớn và điều quan trọng là chúng ta phải biết chấp nhận, sống chung với nó và học hỏi từ nó. Tuy nhiên đam mê là thứ vũ khí quan trọng sẽ vực chúng ta dậy và giúp chúng ta tiếp tục tiến bước. Và vào một ngày đẹp trời nào đó, Ông Trời, thần may mắn sẽ mìm cười với chúng ta. Các bạn đón xem những phần tiếp theo của Topic này xem điều gì đã xảy ra nhé!