Gần đây một số bạn trẻ có gặp tôi tâm sự và có dự định ngoài thú chơi cờ sẽ dạy cờ vây. Và bài viết này tôi muốn chia sẻ với các bạn những tâm tư và kinh nghiệm thực tế hơn mười năm “dạy ít chơi nhiều” của tôi.
1.Dạy cờ vây trước tiên phải có tấm lòng:
Mới nghe thì có vẻ đạo đức và giáo điều quá có phải không? Đi dạy làm thầy đương nhiên là phải như vậy rồi! Nhưng với cờ vậy thì tôi thấy cần thiết vẫn phải nhấn mạnh lại điều này!
Chúng ta ai nấy đều biết cờ vậy thực sự là một trò chơi trí tuệ “khó nuốt”, tính “trừu tượng” và tính chiến lược của nó cao quá, đòn thế thì đa dạng. Thế nên khi bướ c vào dạy chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều các tình huống “ngô nghê” của học viên. Có những điều rất “đơn giản” nhưng dạy mãi học viên vẫn không nhớ , không nhận ra hoặc đi sai. Và ở đây cần một tấm lòng! Các bạn cần nhớ rằng không phải ai cũng như ta. Chúng ta cần phải thấy bản thân học viên (dù trí não ở mức dưới trung bình đi nữa) đến với ta và ngồi bên bàn cờ chịu khó suy nghĩ là một điều đáng quý lắm rồi.
Bản thân tôi cũng đã vi phạm “nguyên tắc” này nhiều lần. Tôi nhớ có lần dạy ở Nhà thiếu nhi TP, hai em học sinh chơi cờ với nhau và xuất hiện một tình huống cờ mà tôi cho là quá đơn giản, ai cũng phải nghĩ ra và đi chỗ đó, nước đi 100%…thế nhưng bé gái đó lại đi sai. Bực và thất vọng quá tôi vừa chỉ tay vào chỗ nước đúng vừa thốt lên: “Pó tay em luôn! Sao không đi nước này.” Nói xong tôi chợt giật mình vì biết mình lỡ lời rồi và tôi đọc thấy ở em gái đó một chút ngượng nghịu và đượm buồn. Tối hôm đó về nhà tôi không sao ngủ được, tự dằn vặt mình vì câu nói thiếu kiềm chế trên.
2.Không giảng nhiều, chỉ nêu vấn đề, đặt câu hỏi và để học viên suy nghĩ:
Tôi nghĩ đây cũng là phương pháp chung để dạy và học thành công. Có như vậy thì học viên mới nhớ và tiếp thu kiến thức hiệu quả được.
Làng cờ vây ai cũng biết đến thầy Lee Pro 8p Korea hiện đang dạy cờ tại TP.HCM và Hà Nội. Thầy Lee xuất thân từ Viện cờ Kon-Kap-Kong một viện cờ nổi tiếng tại Seoul chuyên cho “ra lò” các Pro hàng đầu tại Hàn Quốc trong đó nổi bất nhất là Lee – Se – Dol 9p. Và những phương pháp đào tạo Pro tại viện cờ này cũng được thầy sử dụng khi dạy cờ tại Việt Nam. Học với thầy Lee, bạn phải có một tinh thần tập trung cao độ và xác định mình học để giỏi chứ không phải để biết. Đầu tiên bạn sẽ được thầy giao khoảng 4-8 bài tập chiến thuật và ngồi tự giải. Nên nhớ là bạn chỉ được nghĩ chứ không được tay cầm cờ đi thử nghiệm. Một yếu tố rất “chua” là các bài tập này chỉ gọn lỏn một câu “Đen đi đâu?”. Nó đòi hỏi là bạn vừa phải xác định được vấn đề và vừa phải giải đúng. Nhiều bạn trong lớp khi giải thỉnh thoảng lại hỏi: “Bài này có Ko không thầy” và nhận được cái lắc đầu nghiêm khắc. Khi bạn báo thầy lời giải thì bạn và thầy sẽ trao đổi chỉ tay trên bàn cờ chứ không được cầm quân cờ đi vào. Và thầy không chấp nhận bạn sai! Nếu sai bạn sẽ bị phạt. Nhật Minh và Duy Minh vẫn thường bị thầy phạt nhéo tai và gõ đầu dù đã suy nghĩ rất lâu và nghiêm túc. Vì vậy những bạn nào thiếu kiên nhẫn và lười suy nghĩ chắc chắn sẽ không “trụ” được lớp của thầy.
3.Dạy các em nhỏ thì nếu có thể liên tưởng các bài tập với cuộc sống thực thì càng hiệu quả:
Hình trên là một bài tập đơn giản đen đi đâu bắt chết 4 quân trắng? Khi dạy các em bài này thì tôi hướng dẫn các em liên tưởng đến việc quây một con cá đang tìm cách thoát ra biển lớn! Nếu bắt sai (K10) thì cá sẽ thoát ra biển thế nào? Sự liên tưởng sẽ giúp các em nhớ lâu hình cờ này!
4.Qua cờ vây rèn luyện các tính cách, cư xử cho các em:
– Khi thắng cuộc các em thường “Ye” và thậm chí còn cười đối thủ, ta dạy các em sự tôn trọng đối thủ, biết “ngượng” khi đã thắng đối thủ!
– Khi các em cầm quân cờ thụt ra thụt vào, hoặc di di nhiều điểm trên bàn cờ ta luyện các em tính quyết đoán.
– Khi các em mất một đám quân và muốn bỏ cuộc. ta luyện cho em sự bình tĩnh kiên nhẫn và cho các em hiểu rằng thất bại đó không phải là tất cả, các em còn nhiều cơ hội để gỡ lại.
…..
5.Một bài tập không chỉ là đúng sai mà người dạy phải biết phát triển, cùng học viên đi sâu vào mọi “ngóc ngách” của nó:
Bài tập này khá quen thuộc trong các lớp học cờ vây và giáo viên có thể phát triển bài tập này ra thêm khoảng 10 bài tập “vệ tinh” khác.
Ảnh trên: Thầy Lee (Áo xanh) đang dạy cờ cho Duy Minh và Nhật Minh tại CLB cờ 65 Nguyễn Thông Q3.
Hjx! Hôm nay mới tìm thấy bài viết của thầy! Em thật cảm ơn bài viết của thầy. Mặc dù bây giờ k còn theo học cờ nữa. Nhưng vẩn mê cờ vây số 1. Cảm ơn bài viết của thầy vì nó giúp em hiểu hơn ( mặc dù k phải GV e mới học lớp8)!!!